Ripple XRP là gì?
Ripple là tên gọi chung của một loại tiền điện tử Ripple (XRP) và một hệ thống thanh toán tổng hợp theo thời gian thực (tiếng anh là real-time gross settlement systems -RTGS). Ripple được thành lập với mục tiêu trở thành một mạng lưới thanh toán toàn cầu, một nền tảng cho phép khách hàng, nhà đầu tư và các tổ chức tài chính giao dịch bằng bất kì loại tiền tệ nào sang các loại tiền tệ khác chỉ trong vài giây. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhằm loại bỏ việc sử dụng các hệ thống cũ hơn như Western Union hay SWIFT.
Lược sử hình thành đồng Ripple XRP
Ripple là gì? Có một sự thật thú vị rất ít người biết về Ripple (XRP) là dự án này còn lớn tuổi hơn cả Bitcoin. Bắt đầu vào năm 2004, với cha đẻ là Ryan Fugger. Sau đó, Jed McCaleb, David Schwartz và Arthur Britto đã tham gia và triển khai ý tưởng của Ryan Fugger bằng một công ty có tên là OpenCoin, với khá nhiều chức năng giống như Blockchain. Năm 2012, Ripple chính thức được thành lập cùng với CEO đời đầu là ông Chris Larsen, được chống lưng bởi các quỹ đầu tư lớn trong đó có Andressen Horowitz và Google Ventures.
>> Xem thêm: Stellar Lumens (XLM) là gì? Tất tần tật về mua bán, ví, đầu tư XLM
Ứng dụng của Ripple – XRP có phải một khoản đầu tư đáng giá?
Nguyên lý hoạt động Ripple là gì
Chắc chắn khi tìm hiểu về khái niệm Ripple là gì, những nhà đầu tư mới bắt đầu sẽ tự hỏi nó có gì khác với đồng tiền điện tử Bitcoin.
Mặc dù cả 2 loại tiền tệ này đều sử dụng giao dịch mạng ngang hàng P2P mà không cần bên thứ ba can thiệp, XRP chỉ được xây dựng trên một mạng lưới giống như Blockchain chứ không phải Blockchain. Đồng Ripple chỉ mất 4 giây để xử lý quá trình giao dịch vì phương thức vận hành của Ripple nhanh hơn rất nhiều so với Bitcoin, cùng với 100 tỷ XRP đã tồn tại trên nền tảng.
Vào tháng 5 năm 2017, công ty cam kết sẽ khóa toàn bộ 55 tỷ XRP trong 55 smart contract khác nhau, trong đó chủ yếu là hàng tỷ USD tiền ký quỹ. Mỗi tháng, một smart contract đó sẽ tự động phát hành 1 tỷ XRP vào thị trường, điều đó cũng đồng nghĩa với việc áp lực bán của XRP là rất lớn. Chuyện này xảy ra là các nhà đầu tư lo sợ rằng XRP sẽ đột ngột giảm giá khi hàng tỷ XRP hoàn toàn có thể bị bất ngờ xả vào thị trường. Cho nên việc khóa lại XRP là một việc hết sức quan trọng và có tác động mạnh mẽ đến niềm tin của nhà đầu tư, điều này cũng giống như việc khai thác của các loại tiền tệ khác như Bitcoin và đảm bảo rằng đồng tiền sẽ giữ giá của nó tăng đều đặn.
Tuy nhiên công bằng mà nói thì không có gì có thể đảm bảo rằng công ty Ripple sẽ không phát hành thêm XRP trong tương lai.
Ứng dụng của Ripple là gì
Nền tảng Ripple đã được chấp nhận bởi các ngân hàng, cho phép hợp pháp hóa các quá trình thanh toán và ít nhất, các nhà đầu tư có thể yên tâm hơn về loại Crypto này. Trong khi Bitcoin và các loại Crypto khác được xem là đang cạnh tranh với các ngân hàng.
Với điều đó, tương lai của Ripple phụ thuộc hoàn toàn vào việc các ngân hàng áp dụng nền tảng này và sự tập trung của những người hỗ trợ chắc chắn là điều cần thiết. Khi nhiều ngân hàng tham gia vào mạng lưới, giá của XRP có thể sẽ tăng vọt, thúc đẩy nhiều người tham gia và lôi kéo các ngân hàng khác gia nhập nền tảng này.
Một số đặc điểm quan trọng của XRP
Ưu điểm
- Không lạm phát: Tất cả các token đều được tạo ngay từ đầu và không thể được tạo ra thêm
- Càng được nhiều ngân hàng sử dụng công nghệ của Ripple thì giá trị niềm tin của XRP càng cao.
- Ripple là một tổ chức chính thức được nhiều ngân hàng tin tưởng; chứ không phải là một startup Blockchain
Nhược điểm
- Quá tập trung (Centralized): Vì các đồng coin đã được tạo ra từ đầu và đội ngũ của Ripple có thể quyết định khi nào và bao nhiêu coin sẽ được phát hành, hoặc không phát hành. Vì vậy, về cơ bản giống như đầu tư vào cổ phiếu của một công ty
- Là mã nguồn mở nên một khi code bị hacker truy cập thành công, hoàn toàn có khả năng sẽ bị hack
So sánh Ripple và Bitcoin
Rất nhiều nhà đầu tư thắc mắc liệu Ripple (XRP) và Bitcoin (BTC) khác nhau như thế nào? Chúng ta sẽ cùng giải đáp thắc mắc này sau những ý chính sau đây:
Bitcoin (BTC) là đồng tiền Crypto được tạo ra với mục đích trở thành một phương thức thanh toán dành cho các dịch vụ và hàng hóa nói chung. Còn Ripple được tạo ra để trở thành một hệ thống thanh toán, nền tảng trao đổi và là phương thức thanh toán được gửi qua lại giữa các ngân hàng với nhau và các mạng lưới thanh toán khác. Ý tưởng sản phẩm của Ripple là cung cấp một mức phí rẻ hơn cho hệ thống thanh toán để chuyển giao các giá trị trực tiếp như tiền hay vàng theo thời gian thực, không những rẻ hơn mà còn an toàn hơn và minh bạch hơn so với các hệ thống hiện hành khác mà ngân hàng đang sử dụng.
Bitcoin được xây dựng dựa trên blockchain, trong khi Ripple không hề sử dụng Blockchain. Thay vào đó, Ripple sử dụng các sổ cái (ledger) phân phối dựa trên mạng lưới các máy chủ xác minh và token có tên là XRP.
Về tốc độ giao dịch Ripple hiện tại là 1,500 tps (transactions per second) trong khi đó Bitcoin chỉ có thể xử lý từ 3-6 giao dịch mỗi giây. Bên cạnh đó, phí giao dịch của Bitcoin là vô cùng đắt đỏ
Ngoài ra, token của Ripple là XRP không thể được khai thác như Bitcoin, Ethereum, Litecoin hay nhiều loại Crypto khác hiện nay. Nói cách khác, bạn không thể đào Ripple như đào Bitcoin. Tất cả các token đều đã được phát hành tại thời điểm Ripple thành lập với số lượng 100 tỷ coin.
Công nghệ và sản phẩm của Ripple
Công nghệ và sản phẩm Ripple có được chia thành các phần với các tên gọi như sau: XRP Ledger, Ripplenet, xCurrent, xVia, xRapid và tiền điện tử XRP.
XRP Ledger (XRPL)
XRP Ledger – Sổ cái XRP (XRPL) là tiền thân của Ripple Consensus Ledger (RCL) được Ripple triển khai vào năm 2012.
XRPL hoạt động như một nền kinh tế phân tán. Sổ cái của XRP không chỉ lưu trữ thông tin giao dịch trên đó mà nó còn cung cấp các dịch vụ giao dịch cho nhiều cặp tiền với nhau.
XRPL có mã nguồn mở, cho phép thực hiện các giao dịch theo thời gian thực. Các giao dịch này được bảo đảm và xác minh bởi những người tham gia mạng thông qua cơ chế đồng thuận.
Tuy nhiên, không giống như Bitcoin, XRP Ledger (XRPL) không hoạt động dựa trên thuật toán đồng thuận Proof of Work. Do đó, chúng không dựa vào quá trình xác thực các khối để xác minh các giao dịch.
Thay vào đó, mạng đạt được sự đồng thuận thông qua việc sử dụng thuật toán đồng thuận – trước đây được gọi là Thuật toán Đồng thuận của Giao thức Ripple (RPCA).
XRPL được quản lý bởi các node xác nhận độc lập liên tục và trực tiếp thực hiện đối chiếu các bản ghi giao dịch. Bất cứ ai cũng có thể thiết lập và khởi động một node Ripple Validator. Không những vậy còn có thể chọn các node tin cậy để làm trình xác nhận hợp lệ.
Tuy nhiên, Ripple khuyên người dùng chỉ nên sử dụng danh sách những node đã được xác định và được xem đáng tin cậy để xác thực giao dịch để đảm bảo an toàn cho giao dịch. Danh sách này được gọi là Unique Node List (UNL).
Ngoài ra, do XRPL như một sổ cái phân tán mã nguồn mở nên bất kỳ ai cũng có thể đóng góp vào mã. Do đó, XRPL có thể tiếp tục làm việc ngay cả khi công ty ngừng hoạt động.
RippleNet
Ngược lại với XRPL, RippleNet là sản phẩm độc quyền của công ty Ripple. Chúng được xây dựng trên nền tảng XRPL.
RippleNet hiện cung cấp 3 sản phẩm chính là: xRapid, xCurrent và xVia. Chúng được thiết kế như một giải pháp thanh toán cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính.
xCurrent
xCurrent sử dụng một sổ cái phân tán có tên là Interledger được phát triển bởi Ripple nhưng hiện đang được quản lý bởi một tổ chức phi lợi nhuận duy trì các tiêu chuẩn quốc tế cho web trên toàn thế giới, có tên là World Wide Web Consortium.
Giải pháp này hiện đang được sử dụng nhiều nhất trên các nền tảng của Ripple với sự đăng ký tham gia của hơn 100 tổ chức tài chính lớn trên toàn thế giới. Rất nhiều trong số đó đã xong giai đoạn thử nghiệm và đang sử dụng xCurrent cho các giao dịch trực tiếp.
xCurrent hiện chỉ hoạt động tốt với các khoản thanh toán toàn cầu với các cặp tiền giao dịch có tính thanh khoản cao như cặp EURO/USD hoặc USD/JPY…
xRapid
xRapid được tạo ra với mục đích hỗ trợ các khoản thanh toán kém thanh khoản hơn, dựa trên token XRP để tạo thanh khoản. Việc này được thực hiện bằng cách chuyển tiền thành XRP và từ đó thành các quỹ sẽ là đơn vị thụ hưởng. Điều này cho phép ngân hàng phát hành tránh được việc phải có tiền tại tài khoản của ngân hàng đại lý tại quốc gia của người thụ hưởng hoặc phụ thuộc vào một tổ chức tài chính khác để cung cấp cho ngân hàng thụ hưởng số tiền chính xác theo đồng tiền nội địa và chi phí phát sinh.
Hiện đã có một số nhà cung cấp thanh toán như Western Union và Moneygram đang sử dụng xRapid.
xVia
xVia là giao diện người dùng được thiết kế để làm cho xCurrent và xRapid dễ sử dụng hơn. Thông qua tích hợp API, nó cung cấp kết nối cho các tổ chức tài chính sử dụng các sản phẩm của Ripple cũng như theo dõi thanh toán và tạo hóa đơn.
Đội ngũ phát triển XRP
XRP hay Ripple Protocol được công ty OpenCoin xây dựng và phát triển, trong đó CEO là Chris Larsen và Jed McCaleb là CTO.
- Chris Larsen: Đồng sáng lập kiêm lãnh đạo công ty tài chính E-LOAN. Đồng sáng lập một số startup trong lĩnh vực dịch vụ tài chính online. Ngoài ra, ông còn có biệt danh là Angel Investor (Nhà đầu tư thiên thần
- McCaleb: Đồng sáng lập sàn Mt. Gox cùng với một số dự án Crypto nổi tiếng khác như Stellar (XLM), eDonkey, Overnet,..
Ngoài ra, đội ngũ Ripple còn có sự góp mặt của rất nhiều những người có tiếng khác trong ngành, những người có kiến thức cũng như trình độ cực kỳ am hiểu về blockchain cũng như Crypto.
Mua bán, giao dịch Ripple ở đâu?
Ripple là một đồng tiền lớn trong thị trường tiền điện tử, vì vậy, nó được hỗ trợ ở gần như tất cả các sàn lớn như Binance, Huobi, FTX… Các bạn hoàn toàn có thể giao dịch mua bán trực tiếp trên các sàn giao dịch uy tín này.
Ở Việt Nam các bạn có thể dễ dàng mua/bán XRP từ các trang web như santienao, remitano hoặc qua các sàn giao dịch OTC để nhận về VND.
Lưu trữ XRP – Ví nào trữ Ripple tốt nhất?
Hiện nay có rất nhiều ví có thể tích trữ an toàn như Trezor, Ledger Nano S, tuy nhiên mình sử dụng ví Trezor vì nó có rất nhiều ưu điểm nổi bật như giá thành rẻ, lưu trữ được nhiều loại tiền ảo khác nhau như Bitcoin, Ethereum, Litecoin, Ripple, Zcash, Dash và nhiều loại Altcoins khác.
Bảo mật của Trezor là không phải bàn cãi gì cả, được thiết kế dạng USB, nếu bạn có mất USB thì vẫn có thể phục hồi lại dễ dàng, được tích hợp tính năng chống các phần mềm độc hại trên máy tính.
Đồng Ripple (XRP) có đáng để đầu tư không?
Hiện tại, Ripple (XRP) là đồng coin xếp thứ tư về vốn hóa trên thị trường chỉ ngay sau Bitcoin, Ethereum và Binance Coin. Tuy nhiên, không giống như 3 loại loại trên, bạn không thể đào Ripple. Chỉ có 100 tỷ token XRP và tất cả đều đã được phát hành. Khoảng 46% trong số đó đang được lưu hành, còn lại là tài sản của Ripple Labs.
Số lượng token này sẽ dần dần unlock và được chuyển ra thị trường theo từng phần, dự tính là 1 tỷ token mỗi tháng. Điều này để cho các nhà đầu tư có thể tin tưởng rằng tất cả sẽ không được bán ra cùng một lúc gây ảnh hưởng tiêu cực lên giá token. Tuy nhiên với 1 tỷ token mỗi tháng mà giá của XRP hiện tại đang là 1.5 USD thì số tiền đó cũng là rất lớn với một thị trường vẫn còn “non trẻ” như Crypto ở thời điểm hiện tại. Đây là chưa kể sau này XRP nếu có tăng lên 5-10$ thì con số đó sẽ là 5-10 tỷ USD
Trên thực tế, không ai có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng Ripple có đáng để đầu tư hay không. Giá trị của nó đã tăng lên rất nhiều kể từ khi thành lập nhưng tương lai thì không ai có thể nói trước được điều gì.
Trong trường hợp Ripple có thể được ứng dụng vào các ngân hàng rộng rãi hơn và chuyển đổi hoàn toàn lĩnh vực tài chính với mạng lưới thanh toán, giá của nó có thể tăng vọt. Tuy nhiên, nếu như điều này không xảy ra và chỉ có ít người tiếp tục hỗ trợ Ripple, giá của nó có thể giảm mạnh và rất nhanh vì mất đi niềm tin của nhà đầu tư.
Ripple là gì? Những điều bạn chưa biết về mua bán, ví, đầu tư Ripple (XRP) được biên tập từ Coin68.com Vui lòng để nguồn khi sao chép