Lịch sử hình thành của Tether
Được thành lập vào tháng 7/2014, Tether (USDT) ban đầu có tên gọi là Realcoin, một đồng tiền ổn định, neo giá theo USD – hay còn gọi là stablecoin. Ngay từ khi ra đời, USDT đã có tỷ giá cố định với USD là 1:1.
Nghĩa là, trên thị trường có bao nhiêu USDT thì có tương ứng bao nhiêu đó USD bảo chứng cho đồng tiền này. Đây chính là yếu tố gây tranh cãi trong suốt lịch sử tồn tại của Tether, mà ở phần sau của bài viết sẽ giải thích tiếp.
Ra đời từ 2014, Tether được xem là một trong những stablecoin sớm nhất được tạo ra, ban đầu xây dựng dựa trên Omni – một lớp giao thức của Bitcoin. Khi Ethereum ra đời và dần chứng minh vị thế của mình, công ty Tether cũng lựa chọn phát hành USDT trên chain này với định dạng USDT-ERC20. Những năm sau đó, Tether lần lượt xuất hiện trên TRON (USDT-TRC20), EOS, Liquid rồi Bitcoin Cash (SLP), Solana.
Tether được tạo để giải quyết hai vấn đề nhức nhối của thị trường tiền mã hóa:
- Biến động giá quá cao
- Khả năng chuyển đổi giữa tiền pháp định (fiat) và crypto
Theo những thông tin công khai, công ty Tether có trụ sở tại Hồng Kông, là đơn vị chịu trách nhiệm duy nhất về việc “in” và quy đổi token USDT cũng như bảo đảm trữ lượng Đô la Mỹ. Đáng lưu ý, công ty mẹ của Tether là iFinex cũng là công ty điều hành sàn giao dịch Bitfinex. Từ đó, cộng đồng đặt ra nghi vấn về mối quan hệ giữa Tether và Bitfinex, dù cả hai bên liên tục khẳng định mình hoạt động độc lập với nhau.
Nghi vấn từ những ngày đầu ra mắt…
Tether có đảm bảo đủ trữ lượng USD?
Kể từ khi thành lập, Tether đã là chủ đề tranh cãi bất tận do Tether không cung cấp báo cáo tài chính được kiểm toán công khai để chứng minh rằng họ có đủ trữ lượng USD để đảm bảo cho số USDT đã phát hành ra.
Mãi đến tận tháng 11/2018, Tether công bố đối tác ngân hàng mới, số dư tài khoản vẫn “hoàn hảo như thường”. Tuy vậy, đối tác này chỉ là một ngân hàng không mấy danh tiếng ở Bahamas – không đủ uy tín để đảm bảo tính minh bạch cho đồng stablecoin này.
Thậm chí, đến tháng 5/2019, tiết lộ “sốc” của luật sư Tether: Chỉ 74% tổng cung USDT là được bảo chứng bằng tiền mặt. Con số này trái ngược với những lời cam kết trước đó được đưa ra bởi ban lãnh đạo Tether, vốn từng tuyên bố mọi token USDT đều được bảo chứng bằng tiền mặt. Thông tin này gây ra cú nổ cực lớn trên thị trường tiền mã hóa – vốn phụ thuộc rất nhiều vào đồng stablecoin này.
Tether thao túng giá Bitcoin?
Thống kê: Khối lượng giao dịch Tether của Trung Quốc trong năm 2019 dẫn đầu thế giới, cho thấy tầm quan trọng của USDT chi phối toàn bộ thị trường tiền điện tử trên toàn cầu. Đến tháng 10/2019 thì Tether – gã khổng lồ đứng sau 99% khối lượng giao dịch Bitcoin ở Trung Quốc.
Không những thế, những lần Tether “in” thêm USDT đều tác động mạnh lên giá Bitcoin. Thậm chí, nhiều người trong cộng đồng tạo ra những con bot chuyên theo dõi việc in USDT để cảnh báo biến động giá trên thị trường.
Những nghi vấn này không thoát khỏi con mắt của giới chức quản lý. Tháng 11/2018, bộ Tư pháp Hoa Kỳ điều tra Tether và Bitfinex vì nghi vấn thao túng thị trường. Dù không đi đến kết luận rõ ràng, nhưng sự vụ này làm cộng đồng bắt đầu hoài nghi về USDT.
Đến tháng 10/2019, Tether tiếp tục bị kiện về hành vi thao túng thị trường. Cụ thể, tập đoàn Roche Freedman cáo buộc công ty iFinex lừa đảo nhà đầu tư, thao túng thị trường và che đậy các khoản tiền bất hợp pháp. Roche cáo buộc Tether và Bitfinex đã tạo ra “bong bóng lớn nhất trong lịch sử”.
Vào thời điểm 2017-2019, gần như không có đồng stablecoin nào có thể thay thế cho Tether. Vào năm 2019, trong hệ sinh thái stablecoin gồm GUSD, TUSD, USDC, PAX, thị phần USDT chiếm một con số khổng lồ là 83%.
Trong bài viết Coin68 Blog: Liệu Bitcoin có đứng vững khi Tether sụp đổ? giải thích nhiều viễn cảnh nếu USDT sụp đổ, thì thị trường tiền mã hóa cũng không hề có kết cục êm ấm. Thật không ngoa khi nói một mình USDT “nắm thóp” toàn bộ thị trường.
Mối quan hệ giữa Tether và Bitfinex?
2019 là một năm vô cùng ảm đạm của thị trường. Không những mùa đông crypto kéo dài đằng đẵng, mà đến tháng 4 năm đó, một sự vụ chấn động càn quét khắp mọi mặt trận: Chính quyền New York cáo buộc Bitfinex sử dụng tiền của Tether để “đắp lỗ” 850 triệu USD. Số tiền bị mất được cho là nguyên nhân làm khách hàng Bitfinex không thể rút tiền từ sàn vào cuối năm 2018.
Văn phòng Tổng chưởng lý New York đã cáo buộc Bitfinex làm mất 850 triệu USD tiền quỹ của người dùng, và sau đó đã mượn tiền từ Tether (do 2 công ty này có cùng công ty chủ quản là iFinex) để bù đắp cho khoản thâm hụt này.
Ngay sau đó, Tether và Bitfinex nhanh chóng phản bác thông tin trên bằng tuyên bố của mình, khẳng định lý luận của chính quyền New York chứa đựng “nhiều nhận định sai sự thật”, đồng thời cho biết sẽ sớm khôi phục được chỗ 850 triệu USD kia.
Trong khi Tether bị Toà án Tối cao New York ra lệnh không được cho sàn Bitfinex vay thêm tiền thì bộ đôi tai tiếng này quyết kháng cáo đến cùng.
…Hành trình giải oan
Sau một thời gian “giằng co” với giới chức quản lý, Bitfinex chi trả 100 triệu USD trong khoản vay 700 triệu USD từ Tether vào tháng 7/2019. Thông qua IEO đồng coin sàn là LEO, Bitfinex dần gom đủ tiền và trả hết số nợ còn lại cho Tether vào tháng 2 năm nay – sau gần 2 năm “scandal” xảy ra.
Không lâu sau đó, Bitfinex và Tether hòa giải vụ kiện với chính quyền New York, chấp nhận trả một khoản “phí lót tay” là 18,5 triệu USD để “giải quyết êm thấm” với giới chức Mỹ. Thông tin này không phải chứng minh bộ đôi “vô tội” 100%, mà cho thấy chính quyền New York không tìm thấy bằng chứng quá chắc chắn để buộc tội Tether. Từ đó, hai bên chọn hướng giải quyết hòa bình để chấm dứt cuộc chiến pháp lý.
Sau khi đã được giải thoát khỏi “gông xiềng” pháp lý, Tether xác nhận được bảo chứng đầy đủ – Vị vua stablecoin như hổ mọc thêm cánh.
Vào ngày 30/03/2021, Tether cung cấp báo cáo kiểm toán số tiền quỹ dự trữ của công ty, kèm theo một báo cáo đảm bảo từ công ty kế toán Moore Cayman. Báo cáo nêu rõ dự trữ của Tether cho stablecoin USDT vượt quá số tiền cần thiết để mua lại tài sản mã hóa này vì tổng nợ phải trả là 35,2 tỷ USD, trong khi tổng tài sản hợp nhất lên tới 35,3 tỷ USD.
— Tether (@Tether_to) March 30, 2021
Như vậy, sau gần 7 năm ra đời, USDT cuối cùng công khai báo cáo tài chính – chứng tỏ trữ lượng USD đầy đủ để bảo chứng cho stablecoin. Tuy vậy, vẫn còn một số tiếng nói nghi vấn trong cộng đồng, vì Moore Cayman không phải thuộc Big4 (4 công ty kiểm toán uy tín hàng đầu thế giới) – nên chất lượng kiểm toán vẫn không quá chắc chắn.
Phép màu Coinbase
Câu chuyện của Tether sẽ không có quá nhiều đột biến nếu như Coinbase Pro không bất ngờ thông báo niêm yết USDT vào tháng 4 năm nay. Cụ thể, Coinbase Pro sẽ bổ sung USDT dựa trên ERC-20, bất chấp USDT trên blockchain Tron vượt mặt Ethereum, cán mốc 24 tỷ USD. Thậm chí đến ngày 04/05/2021, USDT đã chính thức giao dịch trên Coinbase.
— Coinbase (@coinbase) May 4, 2021
Bước đi này diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi Coinbase niêm yết trực tiếp trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq. Nhiều ông lớn nhanh tay thu mua COIN sau khi Coinbase ra mắt chưa đầy 24h.
Do đó, việc một sàn giao dịch uy tín như vậy niêm yết USDT chứng tỏ Tether có mức độ minh bạch đủ đáp ứng với tiêu chuẩn của Coinbase. Dù không thể đảm bảo an toàn 100%, Tether giờ đây có thể tự hào là một trong những stablecoin hiếm hoi được Coinbase tin tưởng.
Phép màu này gần như đã “giải oan” toàn bộ cho Tether – cho thấy ngay cả Coinbase đã niêm yết USDT thì cộng đồng không còn lý do gì để nghi ngờ tính minh bạch của stablecoin này nữa.
Jane
Có thể bạn quan tâm: