Thị trường địa ốc sẽ được phục hồi nếu như vướng mắc về dòng vốn được khởi thông, các chính sách liên quan đến pháp luật đất đai được cải thiện. Nhưng ở trường hợp khác, cụ thể khi doanh nghiệp vẫn chật vật thiếu vốn để “nuôi” dự án, thanh khoản chậm, thị trường khó có kịch bản tươi sáng.
Những tín hiệu mới từ thị trường
Nhiều người lo ngại, năm 2023 thị trường bất động sản sẽ khó có thể lấy lại phong độ. Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2023 thị trường sẽ vẫn đạt được mức phát triển nhất định.
Trên cơ sở đánh giá chung về thị trường, nhận định kịch bản năm 2023, TS. Nguyễn Trí Hiếu kỳ vọng vào nửa cuối năm, bất động sản sẽ phục hồi. Khó khăn sẽ đi nhanh.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, để thị trường vực dậy tất nhiên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu dòng vốn không được khơi thông, niềm tin nhà đầu tư không hồi phục, pháp lý bất động sản nhiều vướng mắc thì khả năng vực dậy của thị trường sẽ kém hơn, chậm hơn. Ngược lại, nếu những vấn đề trên được giải quyết, hoặc Nhà nước có những động thái tháo gỡ dần thì thị trường sẽ bắt đầu hồi phục từ cuối quý II/2023.
Báo cáo tâm lý người tiêu dùng BĐS Việt Nam – CSS của đơn vị này cũng ghi nhận, trong năm 2022, bất chấp nhiều khó khăn của thị trường, 70% hộ gia đình có thu nhập 40 – 70 triệu vẫn mua thêm ít nhất 1 bất động sản. Khi được hỏi về dự định mua bất động sản, gần một nửa những người chưa có nhà cho biết họ sẽ mua trong vòng 1 năm tới. Trong cuộc khảo sát, 79% người đang có 2 BĐS cho biết họ sẽ mua thêm BĐS trong tương lai gần, tỷ lệ này ở những người đã làm chủ 3 BĐS lên đến 87%. Những số liệu này cho thấy nhu cầu mua nhà, đất để ở và đầu tư của người dân đã và sẽ luôn ở mức cao.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn tiếp tục trụ hạng ở vị trí thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI trong 9 tháng qua với hơn 3,5 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký. FDI vào lĩnh vực bất động sản tăng gần gấp đôi so với con số thu hút của cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 1,8 tỷ USD.
Nhiều người vẫn tìm đến các công ty BĐS để tìm kiếm cơ hội đầu tư sinh lời mới.
Đặc biệt, ngày 5/12 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng (room) cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 – 2%. Thêm hạn mức, các ngân hàng có thêm dư địa để đẩy mạnh cho vay dịp cuối năm, điều này tạo đà cho phục hồi kinh tế. Để hỗ trợ nền kinh tế, đến nay đã có 12 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền hơn 3.300 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho DN, người dân với mức giảm từ 0,5 – 3%/năm.
Tiếp theo phải kể đến Nghị định 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Nghị định này góp phần minh bạch thông tin thị trường bất động sản, giúp cơ quan quản lý có thể tham gia điều tiết thị trường, kiểm soát pháp lý dự án, giúp người mua nhà có cơ sở thông tin, dữ liệu về dự án, tránh các trường hợp mua sản phẩm dự án chưa đủ điều kiện mở bán. Đây cũng sẽ là những cơ sở tạo niềm tin cho người mua nhà, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững hơn.
Dưới góc độ tài chính, Nghị định 65/2022/NĐ-CP về thị trường trái phiếu sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp bất động sản có năng lực, uy tín dễ dàng hơn trong việc huy động vốn. Theo các chuyên gia, những điểm mới của Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhằm tăng trách nhiệm của nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực bất động sản, đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp có năng lực, uy tín huy động vốn để triển khai những dự án chất lượng, khơi thông nguồn cung, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm ngày càng cao của người dân.
Triển vọng của thị trường sẽ xảy ra theo 3 phương án.
Thứ nhất, phương án cơ bản: Thị trường tiếp tục điều chỉnh theo hướng thu hẹp, thực chất hơn. Đây là phương án tiệm tiến, ngoại suy và có khả năng xảy ra nhất. Trong bối cảnh các nguồn tiền không có đột biến; các chính sách cũng phải đến cuối năm 2023 mới được thông qua – nhiều khả năng thị trường sẽ phát triển theo xu thế.
Thứ hai, phương án tích cực: Thị trường có động năng mới do ban hành bộ ba luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi đồng thời với tình hình trong và ngoài nước ổn định và vốn nước ngoài tiếp tục vận hành vào. Khi đó, vốn trong nước sẽ được kích hoạt và hấp thu để đón chờ một chu kì đi lên mới. Thị trường BĐS vượt qua điểm lõm. Phương án này có thể xảy ra những xác suất thấp vì có nhiều điều kiện nằm ngoài khả năng của nền kinh tế Việt Nam.
Thứ ba, phương án hạn chế: Kinh tế thế giới khó khăn và kinh tế trong nước bị ảnh hưởng đồng thời với kinh tế vĩ mô diễn biến đi ngang. Thị trường BĐS sẽ đi xuống do các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không có khoản tiền đáp ứng yêu cầu trả lãi và tất toán, thị trường BĐS bắt buộc phải điều chỉnh giảm để cơ cấu lại thị trường. Phướng án này khó xảy ra nhưng không phải không thể xảy ra.
Theo khảo sát được công bố từ đơn vị nghiên cứu thị trường, 92% người được hỏi đã trả lời vẫn có ý định mua bất động sản, trong đó đa số thời gian dự kiến mua là sau 6 tháng tới, điểm sáng của thị trường chính là lực cầu.