Phát biểu tại Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023” do Báo Xây dựng tổ chức sáng 14/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, tháng 7/2022, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Chỉ thị nêu rõ 2023 là năm giữa chu kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030.
Về ngành Xây dựng , Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn thông tin, giá trị sản xuất ngành luôn có mức tăng trưởng cao, có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chiếm tỷ trọng lớn GDP của đất nước (luôn chiếm trên 6% thời điểm trước 2 năm Covid). Ngành Xây dựng cũng đã tham gia đóng góp các chương trình vào tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu đầu tư công, tham gia vào 3 đột phá của nền kinh tế như đột phá về cơ sở hạ tầng.
Về quản lý chất lượng xây dựng, Bộ Xây dựng cùng các địa phương, đặc biệt là Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã giải quyết được nhiều vấn đề kỹ thuật nảy sinh, vấn đề khó như tư vấn nước ngoài, quyết định thúc đẩy các công trình trọng điểm (là những công trình lớn có vai trò lan tỏa, động lực tăng trưởng lớn)…
Hoạt động cấp giấy phép xây dựng và số lượng thực hiện sai vẫn được cấp phép đã giảm đáng kể cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương và công tác thanh kiểm tra của các địa phương.
Trong việc thực hiện quản lý Nhà nước, công tác xây dựng cũng như tỷ lệ phủ kín quy hoạch đã tăng đáng kể; công tác hướng dẫn và sự nỗ lực phối hợp giữa các địa phương nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cũng đã được Bộ Xây dựng và các địa phương quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng quản lý ngành Xây dựng…
Về thị trường bất động sản , Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, bất động sản là một trong những thị trường quan trọng, có vai trò thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế và các lĩnh vực khác cùng phát triển. Thị trường bất động sản nước ta trong thời gian qua đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các chủ thể tham gia thị trường…
Hệ thống chính sách, pháp luật về bất động sản đã cơ bản được hoàn thiện gồm: Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng… và nhiều Nghị định, Thông tư khác…
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội, thị trường bất động sản đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.
Đề xuất nhiều giải pháp cho thị trường bất động sản
Từ các khó khăn, vướng mắc, bất cập này, Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm, bao gồm:
Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý để thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Tăng cường quản lý thị trường bất động sản; tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp.
Theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời có giải pháp ổn định thị trường khi cần thiết. Rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định; thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ.
Kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định; ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường.
Kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán. Đồng thời hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp bất động sản theo đúng quy định.
Nghiên cứu, đề xuất các quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản để hạn chế tình trạng đầu cơ.
Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất bảo đảm thống nhất, phù hợp thực tế địa phương.
Khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng Chương trình phát triển nhà ở, Kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương; công khai, minh bạch thông tin, danh mục, tiến độ các Dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước tại địa phương về quy hoạch, xây dựng, thị trường bất động sản và quản lý đất đai tại các địa phương, hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; xử lý các hành vi thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng, Bất động sản.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay: ” Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với các Bộ, Ngành, khẩn trương nghiên cứu, đánh giá thực trạng thị trường bất động sản, các kết quả, hạn chế, bất cập và nguyên nhân; tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, trong nước; dự báo tình hình, các yếu tố tác động, xu hướng phát triển thị trường; xác định mục tiêu, yêu cầu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp đối với thị trường bất động sản để thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả và bền vững “.
cafef.vn
Linh Phong
Nhịp sống thị trường